Lý thuyết "đa thông minh"
Lý thuyết “đa thông minh” - Theory of Multiple Intelligences (MI) – được Giáo sư Tâm lý học Howard Gardner của đại học Harvard giới thiệu lần đầu trong quyển “Frames of Mind: The Theory of Multiple Intelligences” xuất bản vào năm 1983.
Howard phản bác quan niệm truyền thống về khái niệm thông minh, vốn được đồng nhất và đánh giá dựa theo các bài trắc nghiệm IQ. Ông cho rằng khái niệm này chưa phản ánh đầy đủ khả năng tri thức đa dạng của con người.
Theo ông, ở trường, một học sinh giải quyết dễ dàng một bài toán phức tạp chưa chắc đã thông minh hơn đứa trẻ khác loay hoay làm mãi không xong bài toán đó. Cậu học sinh thứ hai rất có thể sẽ giỏi hơn đối với các “dạng” thông minh khác.
Lý thuyết “đa thông minh” cho rằng, mỗi cá nhân hầu như đều đạt đến một mức độ nào đó ở từng “phạm trù thông minh” khác nhau. Mức độ này thấp hay cao sẽ thể hiện hạn chế hay ưu điểm của cá nhân trong lĩnh vực này. Đặc biệt, mức độ này không phải là “hằng số” trong suốt cuộc đời của mỗi người mà có thể sẽ thay đổi (tăng hay giảm) tùy vào sự trau dồi của mỗi cá nhân.
Vì vậy câu hỏi “Bạn thông minh đến mức nào?” sẽ không phù hợp. Câu hỏi đúng nên là “Bạn có trí thông minh nổi bật trong lĩnh vực nào?”
Bạn có trí thông minh dạng nào?
Theo Gardner, mỗi con người là tổng thể của 7 dạng trí thông minh khác nhau:
1. Thông minh Từ vựng - Ngôn ngữ (Verbal – Linguistic): là khả năng lĩnh hội tinh tế về ngôn ngữ và câu chữ. Các nhà văn, nhà thơ, các diễn giả là những người nổi trội về khả năng này.
2. Thông minh Suy luận – Toán học (Logical – Mathematical): mô tả khả năng toán học, khả năng thực hiện các nghiên cứu khoa học và giải quyết các vấn đề liên quan đến suy luận. Các nhà khoa học và nhà toán học có khả năng nổi trội trong lĩnh vực này.
3. Thông minh Âm nhạc (Musical): là khả năng cảm nhận và sáng tác âm nhạc. Các nhạc sĩ và nhà soạn nhạc có trí thông minh thiên về lĩnh vực này.
4. Thông minh Thị giác – Không gian (Visual – Spatial): là khả năng cảm nhận không gian và thế giới hình ảnh. Nếu bạn có khả năng này, bạn hãy nghĩ đến việc trở thành họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thiết kế…
5. Thông minh Cơ thể (Bodily – Kinesthetic): là khả năng vận dụng cơ thể một cách khéo léo như các cầu thủ bóng rổ, các vũ công, các vận động viên thể dục thể hình.
6. Thông minh Tương tác – Giao tiếp (Interpersonal): là khả năng hiểu được mong muốn, tâm tư của người khác. Các nhà chính trị, nhà lãnh đạo, giáo viên và các chuyên gia trị liệu có khả năng nổi trội hơn người khác về trí thông minh này.
7. Thông minh Nội tâm (Intrapersonal): là khả năng hiểu được cảm xúc và tình cảm của người khác. Các triết gia là những người có khả năng nổi bật này.
Bạn thấy đó, mỗi cá nhân chúng ta là tổng thể của 7 dạng trí thông minh khác nhau. Ca sĩ lừng danh Elton John nổi trội về trí thông minh Âm nhạc. Kiến trúc sư Daniel Libeskind, người phụ trách xây dựng lại Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, lại là người có trí thông minh Thị giác – Không gian, trong khi tiểu thuyết gia Stephen King lại nổi trội về trí thông minh Từ vựng – Ngôn ngữ. Vậy bạn xác định mình có trí thông minh dạng nào?
Biết được bản thân ta có trí thông minh nổi trội trong lĩnh vực nào để làm công việc phù hợp sẽ giúp bạn tiến nhanh trên con đường sự nghiệp. Ví dụ nếu bạn biết mình thiên về trí thông minh Tương Tác-Giao Tiếp (Interpersonal skills), bạn có thể xây dựng sự nghiệp thành nhà lãnh đạo. Điều này còn có nghĩa là bạn có thể tránh làm công việc mà bạn không có khả năng vượt trội hay năng khiếu bị giới hạn. Ví dụ, nếu bạn không có khả năng âm nhạc (thuộc phạm trù trí thông minh Âm nhạc), nhưng vẫn yêu thích hát ca cháy bỏng, thì có cách này cho bạn đây: hãy hát Karaoke cho thỏa thích nhưng đừng ôm mộng trở thành ca sĩ nổi tiếng nhé.
Bạn có thể trắc nghiệm xem mình hợp với ngành nghề nào nhất qua các website sau đây:
- http://www.assessment.com
- http://www.careerpath.com
- http://www.similarminds.com/career.html
- http://www.choicedegree.com
- http://www.jobfutures.ca/pls/jf-ea/dpt.page_one
Theo VNW