12/5/2024 9:40:33 AM|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử Trường CĐ Bách khoa Đà Nẵng

Công việc của tôi - "Tình yêu" của tôi

Một ứng viên trong ngành IT đã rút ra được bài học giá trị: cơ hội nghề nghiệp chỉ luôn rộng mở với những ứng viên "chiến đấu" bằng tất cả sự nhiệt huyết, tựa như khi họ "chinh phục" người yêu của mình!

Đối với con người, việc làm cũng quan trọng như tình yêu. Việc làm đem đến cho chúng ta nhiều lợi ích về vật chất và tinh thần cũng như cơ hội để khẳng định giá trị đích thực của bản thân. Việc làm quan trọng như vậy nên muốn có được nó, con người phải nỗ lực hết sức mình, tựa như khi “chinh phục” người yêu. Đó là những điều tôi đúc kết được khi nhìn lại “hành trình” tìm kiếm “người yêu – công việc” của mình.

Cho đến nay, nhiều bạn vẫn nghĩ tìm việc nghĩa là “Tìm kiếm thông tin việc làm + nộp hồ sơ xin việc”. Đây là cách tìm việc đơn giản nhất, nhưng theo tôi cũng là cách kém hiệu quả nhất. Muốn tìm việc đạt hiệu quả cao, bạn nên đi đủ 3 bước: chuẩn bị, nộp hồ sơ và theo dõi kết quả.

Bạn có biết tôi bắt đầu chuẩn bị cho công việc tương lai của mình từ lúc nào không? Từ khi tôi còn ngồi ghế nhà trường! Khi đó, tôi đã nhận thức được rằng CNTT là một ngành có mức độ cạnh tranh cao. Vì thế, sau giờ học chính khóa, tôi luôn tự nghiên cứu thêm để đào sâu kiến thức. Đặc biệt, tôi còn dành thời gian tham gia các khóa học về kỹ năng mềm (soft skills) như quản lý thời gian, giao tiếp, giải quyết vấn đề … vì theo sự tư vấn của một “đàn anh” thì đây sẽ là những yếu tố quan trọng để “ghi điểm” với nhà tuyển dụng cũng như tạo thuận lợi cho công việc sau này.

Bên cạnh đó, tôi còn tích cực tìm hiểu các kênh tìm việc. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định chọn Internet là kênh tìm việc chính của mình vì tìm việc trực tuyến vừa nhanh vừa ít tốn kém, lại phù hợp với xu thế tuyển dụng của các công ty CNTT. Hơn nữa, tôi là dân IT nên rất “nghiện” Internet! Tiếp đó, tôi dành ra mấy đêm liền để nghiên cứu cách viết hồ sơ.

Cuối cùng, sau nhiều đêm mày mò, tôi soạn thảo xong hồ sơ rồi “hiên ngang” đăng lên các trang web tuyển dụng mà tôi ưng ý.

Vậy là xong! Tôi “chắc mẩm” mình sẽ nhận được những lời mời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng (NTD). Nhưng mọi chuyện diễn ra không như tôi dự tính …

Ngày thứ 1: có 2 NTD xem hồ sơ của tôi. Không có lời mời nào!
Ngày thứ 2: không có NTD nào xem hồ sơ của tôi.
Những ngày tiếp theo cũng chỉ có vài NTD quan tâm đến hồ sơ của tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng thật sự. Thấy vậy, một người bạn mới giới thiệu tôi với một “chuyên gia” dày dạn kinh nghiệm “săn việc” để tìm cách cứu vãn tình thế.

Ngày thứ 9: Xem xong hồ sơ của tôi, “chuyên gia” nhận xét thẳng thừng: “Anh nói thật nhé! Hồ sơ của em viết ‘nhạt như nước ốc’ và thiếu hẳn sinh khí. Chả trách chẳng có ai đọc. Em phải viết hồ sơ làm sao để nổi bật được những điểm mạnh của mình thì người ta mới chú ý chứ!” Anh còn khuyên tôi tìm cách thắt chặt quan hệ với những bạn bè, người quen trong ngành IT để nắm bắt những thông tin “nóng” nhất trong nghề.

Ngày thứ 10: Tôi sửa lại hồ sơ theo cách anh bạn đã chỉ dẫn và cập nhật lại trên các trang web tuyển dụng. Thật kỳ diệu! Kể từ đó, các công ty tiếng tăm liên tục vào xem hồ sơ và mời tôi phỏng vấn. Các mối quan hệ mà tôi xây dựng được cũng đã giúp tôi chủ động tìm được rất nhiều cơ hội tốt. Tôi cũng không ngần ngại tiếp cận NTD qua điện thoại, e-mail để nhắc nhở họ một cách lịch sự và khéo léo về hồ sơ mà mình đã nộp nhưng chưa thấy hồi âm. Cuối cùng, sau nhiều vòng phỏng vấn khá gay go, tôi đã có một danh mục các NTD đồng ý tuyển tôi vào làm việc. Sau khi cân nhắc thật cẩn thận cơ hội phát triển nghề nghiệp cùng với các NTD này, tôi quyết định chọn công ty CNTT – Phần mềm mà hiện tôi đang làm việc.

Từ kinh nghiệm tìm việc của bản thân, tôi rút tỉa được nhiều bài học quý giá để bổ sung vào cẩm nang tìm việc của mình. Đó là khi viết hồ sơ, chúng ta không nên viết lan man mà cần nhấn mạnh những kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp với công việc. Sau khi đăng hồ sơ lên các trang web tuyển dụng thì cần cập nhật hồ sơ thường xuyên để thu hút sự chú ý của NTD. Đặc biệt, các mối quan hệ xã hội đóng vai trò rất quan trọng khi chúng ta tìm việc. Càng có mạng lưới bạn bè rộng, chúng ta càng có nhiều cơ hội tiếp cận được những việc làm tốt nhất.

Sau khi Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới, sự cạnh tranh trên thị trường lao động trở nên càng lúc càng khốc liệt. Tuy thế, theo kinh nghiệm của tôi, đối với những người biết tìm việc một cách chủ động thì cơ hội nghề nghiệp vẫn luôn rộng mở. Chỉ cần “chiến đấu” bằng tất cả sự nhiệt huyết thì “nhà tuyển dụng trong mộng” nhất định sẽ mỉm cười với bạn!

Senior PHP Programmer

Liên kết website