Trong không khí thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 36 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2018), thầy và trò Trường Cao Đẳng Bách Khoa Đà Nẵng hân hoan tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Trường (2008 – 2018).
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phượng -Chủ tịch HĐQT Trường Cao Đẳng Bách Khoa Đà Nẵng
Cách đây tròn 10 năm, Trường Cao Đẳng Bách Khoa Đà Nẵng được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Quyết định thành lập số 5036/QĐ-BGDĐT ngày 5/8/2008, năm học 2008 – 2009 nhà trường chiêu sinh đào tạo khóa I với trên 900 HSSV, bắt đầu mở ra sứ mệnh “trồng người”. Ban đầu Trường có 3 ngành Trung cấp, 4 ngành Cao đẳng chính quy, đến nay đã nâng lên 25 ngành đào tạo, trong đó bậc Cao đẳng 7 ngành, Trung cấp 12 ngành, liên thông 5 ngành. Tổng số tuyển sinh 10 năm qua đạt 24.592 em. Trong đó hệ Cao đẳng 8.072 em, hệ Trung cấp 4.805 em, bậc Sơ cấp 11.715 em; liên thông trên 1.000 em. Sau khi tốt nghiệp, có một số em tiếp tục học liên thông đại học, cao đẳng. Đa số các em đã tìm được việc làm phù hợp với ngành học, chất lượng đào tạo được xã hội chấp nhận và thương hiệu uy tín của Trường được nâng lên. Ngoài ra, Trường có Trung tâm Ngoại ngữ -Tin học đào tạo trên 11.000 học viên đáp ứng nhu cầu xã hội. Năm 2013, Trường CĐBK Đà Nẵng mở thêm Trường THCS & THPT Hiển Nhân theo mô hình nội trú, bán trú, sỉ số 500 học sinh; tuyển sinh mỗi năm từ năm đến sáu lớp 10, quy tụ BGH và đội ngũ giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Cô Nguyễn Thị Kim Phượng gắn bảng tên cho HS lớp 10 Trường THCS-THPT Hiển Nhân trong ngày khai giảng
Từ chỗ chỉ có 40 cán bộ, giảng viên, nhân viên đến nay tổ chức bộ máy, biên chế và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên được nâng lên đáng kể. Tính đến thời điểm hiện nay có 4 khoa, 5 phòng, ban chức năng; 02 Trung tâm với số lượng gần 150 CBGV-NV. Trong đó có 2 tiến sỹ, 43 thạc sỹ các chuyên ngành. Hàng năm nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên theo học cao học, tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài như Mỹ, Singapore, Brunei… Nhà trường ban hành các quy định, chính sách ưu đãi thu hút nguồn nhân lực, mạnh dạn mời số cán bộ, giảng viên công tác ở các cơ quan, đơn vị, trường đại học có kinh nghiệm về tham gia với Trường.
Công tác nghiên cứu khoa học của nhà trường tập trung xây dựng, phát triển, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy. Có 100% giảng viên tham gia biên soạn tài liệu phục vụ giảng dạy như: xây dựng chương trình, biên soạn bài giảng, biên soạn giáo trình và đổi mới phương pháp giảng dạy. Kết quả có trên 200 quyển giáo trình được Hội đồng khoa học nhà trường nghiệm thu, đánh giá đưa vào sử dụng, đã xây dựng được ngân hàng đề thi cho hầu hết các học phần. Hiện nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để có thể đáp ứng được yêu cầu giáo dục đào tạo trong thời gian tới.tại Trường.
Nhà trường chú trọng việc liên kết các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp như Trung tâm Giáo dục Thường xuyên các tỉnh; Đại học Đà Nẵng; Đại học Trà Vinh, ĐH Kinh tế Quốc Dân, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH Y Huế; các doanh nghiệp như Bà Nà Hill, Vinpealand; các bệnh viện… trong đào tạo, thực tập và tìm kiếm thị trường đầu ra, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Cô Nguyễn Thị Kim Phượng (trái) ký kết hợp tác với các trường đại học uy tín
Thực hiện thông tư liên tịch số 26, ngày 07/10/2015 của Bộ Y Tế và Bộ Nội vụ, quy định mã số chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên của ngành y tế, nhằm từng bước chuẩn hóa theo lộ trình đã cam kết trong cộng đồng ASEAN từ năm 2015 đến năm 2025. Nhà trường đã chủ động làm việc với lãnh đạo các Bệnh viện, Trung tâm y tế các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình… mở hàng chục lớp với hàng ngàn sinh viên hệ Cao đẳng liên thông, nhằm chuẩn hóa và nâng cấp trình độ cho đội ngũ điều dưỡng viên, kỹ thuật viên của các bệnh viện, được giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế rất hoan nghênh, góp phần tích cực vào công tác hội nhập của ngành y tế các địa phương nhanh chóng, tiến kịp với các nước ASEAN trong tương lai. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ đương chức theo chuyên đề, chuyên sâu từng lĩnh vực và theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị như lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học ứng dụng cho Cục Thuế Thành phố Đà Nẵng, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu..v..v…
Ngay những ngày đầu mới thành lập, nhà trường có 1 cơ sở tại 125 Phan Đăng Lưu với diện tích 25 phòng học, 3 hội trường, 13 phòng thực hành công nghệ thông tin, y dược và các phòng làm việc chức năng. Năm 2013 nhà trường quyết định đầu tư xây dưng cơ sở II tại Khu dân cư số 4 Nguyễn Tri Phương với khối phòng học, hội trường, phòng làm việc giai đoạn 1 gồm 5 tầng, kinh phí đầu tư trên 35 tỷ đồng, đảm bảo đủ cơ sở vật chất cho quy mô đào tạo 9.000 sinh viên. Nhà trường đã được UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý giao 10 ha đất tại xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang để chuẩn bị đầu tư cơ sở III với tổng mặt bằng bao gồm các khu giảng đường-thực hành, vườn cây thuốc nam, viện dưỡng lão, khu thể dục thể thao và khu lưu trú của giảng viên, ký túc xá sinh viên…, đủ điều kiện cơ sở vật chất giảng dạy và học tập để nâng cấp từ trường Cao đẳng lên Đại học đạt tiêu chuẩn quy mô tiên tiến.
Chi bộ nhà trường nhiều năm đạt “Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh”. Công đoàn Trường liên tục 3 năm liền đạt danh hiệu “Vững mạnh xuất sắc” nhiều năm liền được LĐLĐ thành phố Đà Nẵng tặng nhiều Bằng khen cho tập thể và cá nhân. Đoàn Thanh niên đã tham gia nhiều phong trào do Thành Đoàn Đà Nẵng phát động đạt hiệu quả. Phong trào thi đua yêu nước được nhà trường quan tâm xây dựng và duy trì thường xuyên, tiếp thêm sức mạnh cho thầy và trò thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý và phục vụ tốt, tất cả vì học sinh thân yêu, thực hiện tốt các cuộc vận động lớn như: “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Xây dựng môi trường thân thiện và hợp tác”, “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”..v..v… Về công tác xã hội và đền ơn đáp nghĩa, từ thiện: Nhà trường đã tổ chức quyên góp xây dựng nhà tình nghĩa, cứu trợ đồng bào lũ lụt ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam; làm đường bê tông vùng sâu vùng xa, khắc phục hậu quả bão lũ… với tổng kinh trên 600 triệu đồng.
Cô Nguyễn Thị Kim Phượng trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại các tỉnh miền Trung
Với những nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và các em học sinh, sinh viên 10 năm qua, nhiều tập thể, cá nhân của nhà trường đã vinh dự đón nhận: Cờ thi đua của Thủ tướng chính phủ, năm học 2012-2013; Cờ thi đua của Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng năm 2013, 2018; Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố các năm 2012, 2014, 2017; Nhiều Bằng khen, Giấy khen của TW Đoàn, Thành Đoàn, Hội Doanh nhân trẻ TP ĐN, Quận ủy Hải Châu…tặng cho tập thể và cá nhân. Đặc biệt, Th.S Nguyễn Thị Kim Phượng, Bí thư chi bộ, Chủ tịch HĐQT được tôn vinh Nữ doanh nhân trí thức thành đạt năm 2013 do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, được Thành ủy Đà Nẵng tặng Bằng khen 5 năm liền đạt danh hiệu Đảng viên xuất sắc.
Qua 10 năm xây dựng và phát triển đã đặt nền móng vững chắc cho nhà trường định hướng phát triển trong thời gian tới. Về tầm nhìn chiến lược, phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT và Tổng cục GDNN. Về sứ mạng lịch sử, nhà trường đảm bảo cơ hội công bằng và tính đa dạng của quá trình đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, với thông điệp: “Vấn đề của người học là sự quan tâm của nhà trường”. Nhà trường cam kết đào tạo theo các mục tiêu: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập, tất cả vì lợi ích của người học và nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội. Từ đó tạo nên giá trị cốt lõi lấy người học làm trung tâm; chất lượng đào tạo làm tiêu chuẩn hàng đầu; đề cao tinh thần tự chủ, tâm huyết với nghề nghiệp; xây dựng môi trường thân thiện, hợp tác, chuyên nghiệp, hiệu quả và trách nhiệm. Tất cả để cho Trường Cao Đẳng Bách Khoa Đà Nẵng phát triển đi lên ngày càng vững mạnh làm tiền đề xây dựng Trường Đại học Kinh tế-Kỹ Thuật Đà Nẵng trong tương lai.
NGÔ BẢY