77,63% lao động chưa có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ
Ngày 5/12, hội thảo "Xây dựng các đơn vị năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia" được tổ chức tại Đồ Sơn, Hải Phòng. Ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN chủ trì hội thảo.
Đề dẫn hội thảo, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề phát biểu: "Trong tình hình kinh tế hiện nay, đất nước chúng ta đang dọn tổ đón "đại bàng", nhưng các nhà đầu tư tới với chúng ta không làm từ thiện. Do vậy, chúng ta cần phải tăng năng lực của người lao động, cho thấy lao động của chúng ta không chỉ có bằng cấp mà có thực lực, thực nghề".
Ông Nguyễn Chí Trường nhấn mạnh rằng nhiệm vụ của hội thảo này là xây dựng bộ tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng về kỹ năng nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo Vụ Kỹ năng nghề đưa ra số liệu: Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến quý 2/2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%), trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%; cao đẳng chiếm 3,82%; trung cấp chiếm 4,65%; sơ cấp chiếm 3,08% trong tổng lực lượng lao động). Như vậy, số lao động chưa qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ, chưa được công nhận trình độ (kỹ năng, đào tạo) là: 77,63%.
Ở nước ta, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 56/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (KNNQG), từng nghề yêu cầu người lao động có các đơn vị năng lực thuộc 3 nhóm, gồm: năng lực cơ bản, năng lực chung, năng lực chuyên môn.
Cụ thể, thứ nhất là năng lực cơ bản gồm những năng lực áp dụng để làm việc nói chung không dành riêng cho một nghề hoặc một ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Thứ hai là năng lực chung gồm những năng lực bắt buộc phải có khi làm việc trong một ngành công nghiệp cụ thể.
Thứ ba là năng lực chuyên môn gồm những năng lực cần thiết của nghề mà một cá nhân cần có để được thừa nhận là có năng lực tại một cấp độ cụ thể.
Dựa trên Thông tư 56, việc xây dựng thống nhất các đơn vị năng lực cơ bản giúp thuận tiện cho việc chuẩn hóa và công nhận trình độ kỹ năng nghề cơ bản của người lao động, đồng thời tiết kiệm chi phí xây dựng, thẩm định tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia theo quy định hiện hành.
Xây dựng 6 nhóm tiêu chuẩn năng lực cơ bản cho người lao động
Hội thảo "Xây dựng các đơn vị năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia" quy tụ các bên liên quan gồm Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường, nhà nghiên cứu... nhằm trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến chuyên gia để thống nhất hoàn thiện các đơn vị năng lực cơ bản của người lao động trong các bộ tiêu chuẩn KNNQG của các nghề.
Thông qua đó, các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện các đơn vị năng lực cơ bản để các Bộ, ngành thống nhất thông qua và đề xuất Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, công bố các đơn vị thuộc nhóm năng lực cơ bản cho tất cả các nghề theo quy định hiện hành.
Tại hội thảo, Vụ Kỹ năng nghề đề xuất 6 nhóm tiêu chuẩn năng lực cơ bản cho người lao động gồm: ứng xử nghề nghiệp, thích nghi nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn lao động, rèn luyện thân thể, đạo đức nghề nghiệp.
Trong mỗi nhóm năng lực cơ bản có các thành phần và tiêu chí thực hiện. Ví dụ như tiêu chuẩn "Ứng xử nghề nghiệp" được đề xuất gồm có: Tác phong công nghiệp trong lao động; Thực hiện các quy định của pháp luật của nhà nước và quy định pháp luật về lao động; Thực hiện được các quy trình, chế độ làm việc; Cập nhật, bổ sung, nâng cao trình độ; Tư duy tích cực trong thực hành nghề nghiệp; Xử lý, giải quyết các tình huống; Sử dụng hiệu quả công cụ lao động trong thực hành nghề nghiệp; Hướng nghiệp; Khởi nghiệp.
Việc hoàn thiện tiêu chuẩn KNNQG theo hướng cơ bản, nền tảng, liên ngành, liên nghề, xuyên ngành, xuyên nghề phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là cơ sở để chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, linh hoạt, sáng tạo và hội nhập đối với người lao động trong thời kỳ mới.
Mặt khác, tiêu chuẩn năng lực cơ bản cũng là yếu tố để giúp người lao động hoàn thiện khả năng thích nghi, thích ứng trong mọi hoàn cảnh, cũng như thực hiện các mục tiêu trong chủ trương, chính sách, đề án, chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đảng, Nhà nước.
Tiêu chuẩn này cũng là cơ sở để thực hiện việc phát triển chương trình đào tạo trong các cơ sở GD, GDĐT, GDNN; giúp cộng đồng doanh nghiệp thuận lợi trong tuyển dụng và sử dụng người lao động; giúp người lao động tự hoàn thiện năng lực cơ bản trong thế giới nghề nghiệp; tiết kiệm chi phí phát triển, xây dựng tiêu chuẩn KNNQG.
Tại hội thảo, các chuyên gia trình bày tham luận về tiêu chuẩn năng lực cần thiết của người lao động tại một số quốc gia trên thế giới như Đức, Séc…
Ngoài ra, hội thảo cũng lắng nghe đóng góp ý kiến về từng nhóm tiêu chuẩn năng lực lao động, hay đi sâu vào xây dựng tiêu chuẩn KNNQG cho nghề Công nghệ thông tin.
Các chuyên gia, nhà quản lý đến từ Vụ Kỹ năng nghề - Tổng Cục GDNN, Vụ Công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và truyền thông, Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB&XH, Học viện Quản lý giáo dục… tích cực góp ý, thảo luận cho 6 đơn vị năng lực cơ bản trong tiêu chuẩn KNNQG.
Nguồn Dân Trí